Trong Bản tin tháng 11 năm 2020, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khách hàng các chính sách mới liên quan đến thuế, lao động và các quy định khác bao gồm:
Thuế – Hóa đơn – Chứng từ ( từ trang 1 đến trang 10)
- Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế
- Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
- Công văn số 95657/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v kê khai hoàn thuế GTGT đối với chương trình dự án hỗ trợ phát triển trợ giúp nhân đạo tại VN
- Công văn số 95839/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v xử lý sai sót đối với biên lai điện tử đã lập
- Công văn số 95841/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng không lấy hóa đơn
- Công văn số 95845/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v thuế GTGT nộp thừa
- Công văn số 95840/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v ngày lập hóa đơn
- Công văn số 95846/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn
- Công văn số 95844/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v thuế GTGT dịch vụ cung cấp cho khách hàng của đối tác nước ngoài
- Công văn số 95656/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
- Công văn 96961/CT-TTHT ngày 06/11/2020 v/v đăng ký người phụ thuộc
- Công văn 66966/CT-TTHT ngày 06/11/2020 v/v thuế nhà thầu
- Công văn 96967/CT-TTHT ngày 06/11/2020 v/v chi phí với hàng hóa bị hỏa hoạn
- Công văn 97740/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v thuế GTGT đối với quà tặng
- Công văn 97747/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v lập hóa đơn
- Công văn 97746/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v xác định thời gian miễn giảm thuế TNDN
- Công văn 97748/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v thuế TNDN, TNCN đối với khoản chi cho CBNV trong đợt dịch Covid-19
- Công văn 97749/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v chi phí được trừ
- Công văn 97742/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v thuế GTGT đối với hàng phi mậu dịch
Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết 1 số điều của Luật quản lý thuế
Theo đó, một số điểm mới lưu ý của Nghị định như sau:
- Nghị định mở rộng áp dụng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong việc khấu trừ và nộp thuế thay cho các doanh nghiệp nước ngoài có thực hiện các hoạt động thương mại điện tử và có thu nhập phát sinh từ Việt Nam, theo đó ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải:
– Hàng tháng khấu trừ và nộp thuế thay cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động thương mại điện tử nếu các nhà thầu này không đăng ký nộp thuế tại Việt Nam. Tổng Cục Thuế sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan khác để xác định danh tính và địa chỉ trang web của các nhà thầu nước ngoài hoạt động thương mại điện tử không đăng ký thuế tại Việt Nam và thông báo cho ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
– Hàng tháng theo dõi các khoản thanh toán được chuyển cho nhà thầu nước ngoài hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dữ liệu này cho Tổng Cục Thuế nếu các cá nhân ở Việt Nam sử dụng các phương thức thanh toán mà theo đó việc khấu trừ không thể thực hiện được cụ thể thực hiện như sau:
- Ngân hàng phải cung cấp các thông tin sau đây cho cơ quan thuế:
– Thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế: trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;
– Thông tin giao dịch được thực hiện thông qua các tài khoản trên khi được yêu cầu bởi cơ quan thuế địa phương trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế hoặc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
- Nghị định quy định “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”.
- Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:
– Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.
– Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.
– Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
– Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020.
– Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.
- Nghị định cũng quy định nội dung hướng dẫn trách nhiệm của các tổ chức kê khai và nộp thuế thay cho người nộp thuế.
– Tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi cá nhân có vốn góp tùy theo từng trường hợp cụ thể) phải thay mặt cá nhân kê khai và nộp thuế TNCN phát sinh từ các khoản cổ tức bằng chứng khoán, thưởng bằng chứng khoán, lợi tức ghi tăng vốn, góp vốn của các cá nhân bằng bất động sản/phần vốn góp/chứng khoán.
– Tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho các hộ/cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì phải kê khai và nộp thuế TNCN thay cho các hộ/cá nhân kinh doanh này.
Ngoài ra Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh, hướng dẫn về việc lập tờ khai thuế, các trường hợp kê khai thuế theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh, và nơi nộp tờ khai thuế,….
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020 với một số điều khoản chuyển tiếp.
Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Theo đó, một số điểm mới lưu ý của Nghị định như sau:
- Về các bên có quan hệ liên kết
- Mối quan hệ gia đình giữa hai doanh nghiệp được bổ sung thêm các trường hợp: Cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; Con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể.
- Bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ gia đình.
- Ngưỡng khống chế chi phí lãi vay
- Ngưỡng khống chế chi phí lãi vay được nâng từ 20% lên 30% của tổng lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay và khấu hao (EBITDA). Ngưỡng khống chế chi phí lãi vay áp dụng đối với chi phí lãi vay thuần (tức là được phép bù trừ doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay với chi phí lãi vay khi so sánh với ngưỡng khống chế).
- Chi phí lãi vay vượt ngưỡng khống chế không được khấu trừ có thể được chuyển tiếp sang những năm tính thuế tiếp theo, và được khấu trừ nếu tỷ suất tổng chi phí lãi vay thuần/EBITDA của những năm tiếp theo đó thấp hơn 30%. Thời hạn chuyển tiếp tối đa là năm (05) năm.
- Một số khoản vay tài chính không thuộc đối tượng áp dụng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay bao gồm các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi của Chính phủ, các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước
Những quy định về ngưỡng khống chế chi phí lãi vay này đã được nêu trong Nghị Định 68
- Về khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn
- Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là tập hợp các giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75 (khác với Nghị định 20 là từ tứ phân vị thứ nhất đến tứ phân vị thứ ba, tương đương với bách phân vị thứ 25 đến bách phân vị thứ 75). Như vậy, giá trị ngưỡng dưới được đề xuất tăng thêm 10%.
- Về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (“CbCR”)
- Đối với doanh nghiệp có công ty mẹ tối cao tại Việt Nam, và có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 18.000 tỷ đồng, thì có trách nhiệm lập CbCR và nộp cho cơ quan thuế Việt Nam chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Đối với doanh nghiệp có công ty mẹ tối cao ở nước ngoài, thì CbCR không bắt buộc phải nộp cho cơ quan thuế Việt Nam trong trường hợp cơ quan thuế Việt Nam có thể nhận được CbCR đó thông qua cơ chế trao đổi thông tin tự động
- Bổ sung trường hợp miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Trường hợp được miễn lập Hồ sơ xác định giá GDLK nếu người nộp thuế:
- Chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam; và
- Áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các bên liên kết; và
- Không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Nghị định 132 có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2020, và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Trường hợp tổ chức phi chính phủ nước ngoài trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo cho Việt Nam thì không phải chịu thuế GTGT. Trường hợp tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại với giá đã có thuế GTGT thì được hoàn lại số thuế GTGT đã trả theo quy định tại tiết b điểm 6 khoản 3 điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC.
Về thủ tục, hồ sơ hoàn thuế được thực hiện như đối với trường hợp tổ chức Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam để viện trợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các khoản tiền, hàng viện trợ cho Việt Nam, các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các khoản viện trợ và Tờ khai xác nhận viện trợ được Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính xác nhận về khoản tiền viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một căn cứ để cơ quan thuế xem xét và thực hiện việc hoàn thuế, miễn thuế.
Trường hợp AeA mua hàng hóa, dịch vụ để sử dụng cho hoạt động của văn phòng tại Việt Nam (bao gồm: thuê văn phòng, mua văn phòng phẩm, máy tính…), số thuế GTGT mua vào không phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì không được hoàn thuế GTGT đầu vào theo quy định.
Công văn số 95839/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v xử lý sai sót đối với biên lai điện tử đã lập
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-BTC .
Trường hợp các tổ chức, đơn vị khi bán hàng thì người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu… theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, đối chiếu với quy định hướng dẫn nêu trên để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Công văn số 95841/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng không lấy hóa đơn
Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018. Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 12/9/2019 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/11/2019.
Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đăng ký, sử dụng tra cứu và chuyển dữ liệu lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP, trường hợp cơ quan thuế chưa thông báo Công ty chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư 68/2019/TT-BTC thì Công ty vẫn áp dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP .
Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì đối với trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn thực hiện theo Điều 18 Thông tư số 39/2014/TT-BTC .
Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế” theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính nêu trên.
Công văn số 95845/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v thuế GTGT nộp thừa
Trường hợp hợp đồng dịch vụ đã được nghiệm thu, thanh lý, Viện nghiên cứu và Phát triển đã xuất hóa đơn GTGT, hai bên đã kê khai thuế sau đó phát hiện sai sót thì Viện Nghiên cứu và Phát triển và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng thực hiện điều chỉnh hóa đơn GTGT đã lập và thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT tại kỳ có sai sót. Căn cứ hóa đơn điều chỉnh, hai bên kê khai, điều chỉnh doanh số mua bán, thuế đầu ra, đầu vào theo quy định hiện hành.
Về việc xác định dịch vụ phân tích mẫu gạo, mẫu đất, mẫu nước mà Viện Nghiên cứu và Phát triển cung cấp cho Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp có phải là dịch vụ khoa học công nghệ hay không để áp dụng đúng thuế suất thuế GTGT theo quy định, đề nghị các bên nghiên cứu các quy định pháp luật về khoa học công nghệ, các quy định pháp luật liên quan hoặc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn.
Trường hợp sau khi Viện Nghiên cứu và Phát triển điều chỉnh hồ sơ khai thuế GTGT, phát sinh số thuế GTGT nộp thừa thì xử lý theo quy định tại Điều 60 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Về thủ tục, hồ sơ hoàn thuế (nếu có) thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 71 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công văn số 95840/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v ngày lập hóa đơn
Trường hợp Công ty áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 39/2014/TT-BTC và Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì thời điểm lập hóa đơn điện tử thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 51/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Hóa đơn điện tử phải đảm bảo có đầy đủ các nội dung bắt buộc (bao gồm cả chữ ký điện tử của người bán) theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì được xác định là hóa đơn hợp pháp. Trường hợp ngày ký hóa đơn thực hiện sau ngày lập hóa đơn điện tử thì Công ty phải căn cứ vào ngày lập hóa đơn điện tử để xác định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán theo quy định.
Công văn số 95846/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn
Trường hợp cá nhân người Việt Nam phát sinh thu nhập từ đầu tư vốn tại nước ngoài, nếu là cá nhân không cư trú theo quy định của Luật thuế TNCN thì không phải nộp thuế TNCN tại Việt Nam đối với thu nhập từ đầu tư vốn nêu trên, nếu là cá nhân cư trú thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ đầu tư vốn theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Việc xác định cá nhân cư trú hay không cư trú thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC , Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực, nếu xác định cá nhân phải nộp thuế TNCN tại Việt Nam thì việc khấu trừ số thuế đã nộp tại Hoa Kỳ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Hiệp định và Điều 48 Thông tư số 205/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu trên.
Trường hợp Công ty kí hợp đồng với tổ chức ở nước ngoài cung cấp dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị cho khách hàng của tổ chức nước ngoài là doanh nghiệp nội địa Việt Nam, doanh nghiệp chế xuất thì thuế suất thuế GTGT được xác định theo nguyên tắc sau:
– Trường hợp dịch vụ cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan thì được xác định là dịch vụ xuất khẩu và áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu thỏa mãn điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC nêu trên. Khu phi thuế quan được xác định theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2014/TT-BTC.
– Trường hợp dịch vụ cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam thì thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC .
Công văn số 95656/CT-TTHT ngày 02/11/2020 v/v chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
Trường hợp Công ty chi thưởng cho người lao động nếu khoản tiền thưởng được quy định cụ thể về mức và điều kiện được hưởng tại hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, quy chế thưởng do chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Công văn 96961/CT-TTHT ngày 06/11/2020 v/v đăng ký người phụ thuộc
Trường hợp người nộp thuế đăng ký người phụ thuộc là cháu ruột (bố mẹ còn sống và có đủ khả năng nuôi dưỡng) không thuộc trường hợp cá nhân không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật thì không thuộc đối tượng được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công văn 66966/CT-TTHT ngày 06/11/2020 v/v thuế nhà thầu
Trường hợp Nhà thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ Hợp đồng về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải tại Lưu vực Bắc Sài Gòn 2, TP Hồ Chí Minh thì EXP International Services INC thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính.
– Về việc khai thuế trong trường hợp Nhà thầu nước ngoài liên danh với Công ty Việt Nam để thực hiện kinh doanh tại Việt Nam thì đề nghị Công ty Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 20 Thông tư số 156/2020/TT-BTC.
Công văn 96967/CT-TTHT ngày 06/11/2020 v/v chi phí với hàng hóa bị hỏa hoạn
Trường hợp trong năm 2020 Chi nhánh Công ty có hàng hóa bị tổn thất do hỏa hoạn, số hàng hóa này đã được Chi nhánh Công ty mua bảo hiểm thì khoản chi phí liên quan đến phần giá trị hàng hóa tổn thất do hỏa hoạn sau khi trừ phần giá trị được doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác bồi thường theo quy định của pháp luật nếu đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ, hóa đơn chứng từ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế.
Trường hợp thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bị tổn thất do hỏa hoạn, dùng cho sản xuất, kinh doanh không được bồi thường, được khấu trừ nếu đáp ứng các điều kiện về khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông số 219/2013/TT-BTC và Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC nêu trên.
Công văn 97740/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v thuế GTGT đối với quà tặng
Trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có mua các sản phẩm vàng đã qua chế tác từ các cơ sở kinh doanh vàng bạc để khuyến mại cho khách hàng nhưng không đăng ký theo quy định của luật thương mại thì Công ty phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hàng hóa, dịch vụ dùng để biếu, tặng… khách hàng theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC với thuế suất thuế GTGT đối với vàng đã qua chế tác là 10%.
Công văn 97747/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v lập hóa đơn
Trường hợp năm 2009, cá nhân góp vốn hợp tác đầu tư vào Công ty để được quyền mua bất động sản tại Dự án khu nhà ở thấp tầng TT82 theo đúng quy định của pháp luật, khi thu tiền góp vốn của cá nhân theo tiến độ, Công ty MBAMC đã lập hóa đơn GTGT và kê khai, nộp thuế GTGT đầy đủ theo quy định; đến nay Dự án khu nhà ở thấp tầng TT82 của Công ty đã đáp ứng đủ điều kiện để được ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật thì khi cá nhân có vốn góp tiếp tục nộp tiền theo tiến độ tại Hợp đồng mua bán để mua bất động sản đã quy định tại Hợp đồng hợp tác đầu tư trước đó thì Công ty thực hiện lập hóa đơn giao cho khách hàng theo quy định; giá trị trên hóa đơn không bao gồm phần giá trị vốn góp mà Công ty đã lập trước đó.
Công văn 97746/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v xác định thời gian miễn giảm thuế TNDN
Trường hợp Công ty thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính Phủ đồng thời có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì Công ty được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020. Công ty căn cứ vào điều kiện được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP nêu trên.
Trường hợp Công ty trong đợt dịch covid-19 có phát sinh các khoản chi phí cách ly cho Tổng giám đốc Công ty TNHH (không do cá nhân làm chủ) là chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam thực hiện cách ly theo quy định của pháp luật nếu các khoản chi này nội dung ghi rõ tên cá nhân hưởng thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định tại tiết đ.3.2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC .
Các khoản chi nêu trên là các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động ngoài các khoản chi lương thưởng đã thỏa thuận và phù hợp với quy định của pháp luật được xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2014/TT-BTC nêu trên và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Công văn 97749/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v chi phí được trừ
– Công ty không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (do ô tô không phải là xe chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn và không dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên.
– Đối với khoản lãi tiền vay phát sinh tương ứng với số tiền vay ngân hàng để mua ô tô tính đến thời điểm đưa ô tô vào trạng thái sẵn sàng sử dụng được ghi nhận vào nguyên giá tài sản cố định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC; Đối với khoản lãi vay tương ứng với số tiền vay để mua ô tô phát sinh sau thời điểm ô tô đưa vào trạng thái sẵn sàng sử dụng được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Công văn 97742/CT-TTHT ngày 10/11/2020 v/v thuế GTGT đối với hàng phi mậu dịch
Trường hợp Công ty có hoạt động nhập khẩu hàng hóa theo hình thức phi mậu dịch để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT của Công ty thì thuộc trường hợp được khấu trừ đối với số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa trên đã nộp ở khâu nhập khẩu theo nguyên tắc quy định tại Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính).